Home Tìm Ca Dao Trợ Giúp Tìm Ca Dao Trang Chủ Toàn Bộ Danh Mục e-Cadao English

Thư Mục

 
Lời Phi Lộ
Lời Giới Thiệu
Cách Sử Dụng
Dẫn Giải
Diêu Dụng
Cảm Nghĩ
 
Ẩm Thực
Chợ Quê
Cội Nguồn
Cổ Tích
Lễ Hội
Lịch Sử
Ngôn Ngữ
Nhân Vật Nữ
Nhạc Cụ Việt Nam
Phong Tục Tập Quán
Quê Ta
Tiền Tệ Việt Nam
Tiểu Luận
Văn Minh Cổ
Vui Ca Dao
 
Trang Nhạc Dân Ca
 
Trang Chủ
 

 
 

 

 
   
 
Lẩy Kiều hay tập Kiều
Trích từ: http://nguoivienxu.vietnamnet.vn/chuyentiengmede/2004/02/51707/

Truyện Kiều, ai cũng phải phục là một áng văn bất hủ. Giá trị của truyện Kiều không những ở trong câu văn óng chuốt, ý tứ hàm súc mà còn ở cái nhạc điệu dịu dàng êm ái dễ nhớ, dễ ngâm, dễ truyền tụng; ai gặp trường hợp nào cũng có thể tìm được một câu Kiều vừa ý mà ngâm ngợi, giải tỏ nỗi lòng.

Để tả những tâm trạng phức tạp mà một hai câu liền không đủ ngụ được hết ý, người ta đặt ra lối “lẩy Kiều” hoặc “tập Kiều”, nghĩa là lấy một câu sáu ở đoạn này ghép vào với câu tám cùng vần ở đoạn kia. Dùng lối này, có người đã mô tả được những sự vật mà Nguyễn Du không từng đề cập đến, cả những sự vật chưa có trong thời ông.

 

Chẳng hạn như:

Cái ống máng

Trên vì nước, dưới vì nhà,
Lòng này ai tỏ cho ta hỡi lòng
Nhìn càng lã chã giọt hồng,
Nỗi lòng ai ở trong lòng mà ra…

Phi công ngồi máy bay khu trục
(chữ E ở câu thứ ba xin hiểu nghĩa là chữ “Air” của tiếng Anh)

Cánh hồng bay bổng tuyệt vời
Thành xây khói biếc, non phơi bòng vàng
E thay những dạ phi thường
Nữa khi dông tố phũ phàng, thiệt riêng

Một ông bạn của nàng Phù Dung (thuốc phiện) cứ cả tuần mới vào cầu một lần, mà mỗi lần trên thì thông, dưới lại bí, ì ạch mãi chẳng được, cũng nhăn nhó lẩy Kiều:

Buồn trông ngọn nước mới sa,
Cực trăm nghìn nỗi, dặn ba bốn lần!

(dặn =rặn, theo phát âm miền Bắc)

Một ông xuất thân làm nghề hát chèo, sau trở nên giàu có, đứng ra mở một công ty nấu rượu lớn, được mừng như sau:

Hương càng đượm, lửa càng nồng
Gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo

Một ông khác cho người hàng xóm mượn tiền, mãi không thấy trả, sai người đi hối thúc mới hay con nợ đã bỏ đi từ hồi nào không biết, bèn lẩm bẩm phàn nàn:

Thúc ông nhà ở gần quanh
Bạc đem mặt bạc lánh mình cho xa

*********

Những chữ dùng trong truyện Kiều đôi khi còn được khoác cho một nghĩa riêng biệt để phù hợp với một cảnh ngộ khác thường.

 

Một anh học trò quanh năm ở tỉnh, nhân ngày xuân cao hứng về vùng quê chơi. Đi qua bãi cỏ thấy mấy cô thôn nữ chăn bò đang cười đùa vui vẻ, anh chàng liền sấn đến kiếm chuyện làm quen.

Một cô trong bọn lên tiếng ngay:

Trông chừng thấy một văn nhân…

Rồi cô bỏ lửng. Anh học trò hí hửng, vuốt lại vạt áo đứng ngóng câu tiếp theo.

Chợt một cô khác cất giọng:

…Mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao

Những tưởng mình được là Kim Trọng, đã tấp tểnh mừng thầm, ai ngờ lại bị coi là Mã Giám sinh, anh học trò vừa thẹn vừa tức. Anh ta bèn đòi đố Kiều (môn sở trường của anh ta bấy lâu nay) với các cô thôn nữ.

Một cô nhanh nhẩu: “Chúng em quê mùa dốt nát đâu dám khoe tài. Biết anh giỏi Kiều, xin nhờ anh đọc một câu Kiều bảo con bò đang đi chỗ này đứng lại xem nào".

Anh học trò chột dạ, đánh liều đọc:
 
Tần ngần đứng suốt giờ lâu,
Dạo quanh chợt thấy mái sau có nhà.

Anh ta cố ý đọc to chữ đứng. Con bò vẫn tiếp tục đi. Một cô liền nói:
-Thôi, anh chả bảo được nó đâu, để em bảo dùm cho.

Đoạn, cô ngâm:

Họ Chung có kẻ lại già
Cũng trong nha dịch lại là từ tâm

Cô đọc to và kéo dài tiếng họ (họ: tiếng vùng quê dùng để bảo trâu bò đứng lại), quả nhiên con bò đứng lại ngay. Kế đó một cô thách:
-Bây giờ lại đố anh bảo được con bò rẽ sang bên phải đấy.

Anh chàng muốn gỡ thẹn, liền đọc luôn:

Nàng rằng phận gái chữ tòng,
Chàng đi thiếp cũng một lòng xin đi.

Anh nhấn mạnh cả hai tiếng đi, con bò đi thật nhưng lại đủng đỉnh đi thẳng chứ không rẽ sang bên phải. Anh chạy theo đọc lại lần nữa, nó cũng chẳng nghe cho. Chợt nhớ ra một câu khác, tin chắc lần này thế nào cũng có kết quả, anh dõng dạc ngâm:

Dẽ cho để thiếp bán mình chuộc cha

(Dẽ=rẽ theo phát âm miền Bắc)

Anh kéo dài tiếng dẽ. Con bò vẫn chậm rãi đi thẳng đường. Các cô ôm bụng cười. Anh chàng tiu nghỉu, mặt chín rừ. Bấy giờ một cô trong bọn mới đọc:

Một vùng cỏ mọc xanh rì,
Nước ngâm trong vắt thấy gì nữa đâu

Cô nhấn mạnh tiếng vắt (tiếng vùng địa phương để bảo trâu bò rẽ sang bên phải), quả nhiên con bò ngoan ngoãn rẽ sang phải.

*********

Xưa, có một cô thiếu nữ ăn nói bặt thiệp, mở quán nước bên đường để kén chồng. các cậu khóa anh đồ nghe tin kéo đến rất đông, ai cũng muốn khoe tài để mong được người đẹp chú ý; nhưng đã bao ngày vẫn chưa có ai địch lại mồm mép của giai nhân.

Nghề đời vỏ quýt dày tất có móng tay nhọn.

 

Một hôm, một nho sinh vào quán nghỉ chân. Cô gái quen như mọi lần, lại giở cái giọng “đàn chị” ra để trêu chọc, nhưng anh chàng đối đáp không kém phần cứng cỏi. Cuối cùng, cô bèn đọc một câu tập Kiều:

Khen cho con…mắt tinh đời!
Anh hùng đoán giữa trần ai mới già

Cô nhấn mạnh ba tiếng khen cho con, nghỉ một lát rồi mới nối ba tiếng sau. Lối đọc này mang hàm ý: “Khen cho con đấy, con ạ!”.

Nho sinh hiểu ý, đọc ngay một câu cũng trong Kiều:

Vả bây giờ…mới thấy đây
Mà lòng đã chắc những ngày một hai

Lúc đọc anh ta dằn mạnh ba tiếng vả bây giờ, cũng nghỉ một tí mới đọc tiếp ba tiếng sau, khiến cho câu thơ có nghĩa là: “Hỗn với tôi thì tôi vả cho bây giờ!”

Thấy nho sinh trả lời hóm hỉnh như vậy, cô gái vừa phục vừa thẹn, mắt đỏ ửng lên và lặng thinh ngồi mân mê tà áo…

 (Theo Lãng nhân “Chơi chữ”)

Bắt cá hai tay
19:03' 11/02/2004 (GMT+7)
 

Hễ một người nào đó vì lòng tham muốn có được nhiều thứ trong cùng một lúc, hoặc để ăn chắc, không được thứ này thì được thứ khác, hoặc vừa làm điều này ở đây rồi lại làm điều đó ở nơi khác nữa (theo lẽ thường anh ta chỉ được làm ở một nơi), thì sẽ bị mọi người gọi một cách mỉa mai là kẻ “bắt cá hai tay”.

“Bắt cá hai tay” được hiểu ở đây với nghĩa đen là mỗi tay bắt một con cá và kết quả là tuột mất, chẳng bắt được con nào (vì mỗi tay bắt một thì không chắc chắn). Chẳng thế mà ca dao Việt Nam đã từng khuyên nhủ mọi người:

“Xin đừng bắt cá hai tay
Cá lội dưới nước, chim bay lên trời”

Từ nghĩa đen cụ thể đó, nhân dân ta đã dùng thành ngữ này với nghĩa rộng hơn để chỉ những người có tư tưởng “nước đôi”, hoặc tham lam, ôn đồm, muốn có nhiều thứ, muốn làm nhiều việc cùng một lúc, không được việc này thì được việc khác, kết quả hoặc là không được gì, “xôi hỏng bỏng không” hoặc được chắc một thứ nhưng thường bị chê trách là tham lam, khôn ranh
 

(Theo “Kể chuyện thành ngữ tục ngữ”)
 

 

 

Sưu Tầm Tài Liệu và Web Design

  Hà Phương Hoài

Hỗ Trợ Kỹ Thuật

Hoàng Vân, Julia Nguyễn

Web Database

Nguyễn Hoàng Dũng
Xin vui lòng liên lạc với  haphuonghoai@gmail.com về tất cả những gì liên quan đến trang web nầy
Copyright © 2003 Trang Ca Dao và Tục Ngữ
Last modified: 03/12/18