Trang Nhà

Trang Chủ Sở Thích Tác Phẩm Góp Ư Giới Thiệu H́nh Ảnh Liên Mạng Linh Tinh

Trang Nhà

Ngọt Ngào Lời Quê
Ca Dao Trong Hát Ru
Ca Dao Về Sức Khỏe
Ca Dao Về Tương Mạo
Ca Dao Trào Phúng
H́nh Ảnh
Sưu Tầm

   _____________________

 

   

Đất Phú Yên Qua Những Bài Ca Dao

 

Ngọc Anh

 

Theo Đại Nam Nhất Thống Chí thì tỉnh Phú Yên xưa vốn là đất Việt Thường thị.  Đời Tần (năm 221-206 trước công nguyên) thuộc Tượng Quận.  Đời Hán (206 trước công nguyên – 220 sau công nguyên) vốn đất Lâm Ấp.  Đời Tùy (561-618 sau công nguyên) trở thành quận Lâm Ấp.  Đời Đường (618  -  907)  đổi làm châu Lâm, rồi bị Chiêm Thành chiếm để trở thành đất Bà Đài và Đà Lãng.  Năm 1602 Nguyễn Hoàng chiếm lấy lập ra phủ Phú Yên để trở thành mảnh đất của nước Việt ngày nay.

 

Phú Yên là tỉnh lị nằm cạnh mặt biển ở hướng đông.  Hướng bắc giáp tỉnh Bình Định với đèo Cù Mông hiểm trở.  Hướng nam giáp tỉnh Khánh Hoà và tỉnh Đắc Lắc.  Hướng tây giáp nước Ai Lao.  Thời Cộng Hoà thì tỉnh Phú Yên được chia làm hai tỉnh gồm có tỉnh Phú Yên và tỉnh Phú Bổn.  Phú Yên có nhiều núi rừng, vốn là quê hương của người anh hùng Châu Văn Tiếp.

 

Áng mây che ngọn núi Sầm,

Rủ nhau ta đến tìm trầm Phú Yên.

Núi cao còn có kiền kiền,

Giáng hương, gõ, trắc, khắp miền tiếng vang.

 

Không  chỉ bài ca dao trên nhắc đến tên Phú Yên, mà có những bài ca dao khác cũng đề cập đến tỉnh lị này, tức nhiên Phú Yên phải có một số điểm đặc biệt nào đó.  Trong trường hợp của bài ca dao trên, ta có thể thấy nhiều điểm đặc biệt của tỉnh Phú Yên.  Trước hết là Phú Yên có nhiều trầm hương, vốn là một trong những vật quý giá. 

 

Trầ là gỗ cây gió bị thương tích lâu ngày chất dầu đọng lại có mùi thơm, người ta dùng làm thuốc và đốt lên để lấy hương thơm.  Trầm rất khó tìm, có thể vì thế mà trở nên vật hiếm quý qua câu chuyện truyền thuyết “ngậm ngải tìm trầm”.   Ngải vốn là loài cây trông giống như cây nghệ, trường hợp bị trặc gân, gẫy xương, người ta bó ngãi để chữa chỗ trặc hay gẫy.  Ngoài việc sử dụng như một vị thuốc, các thầy mo còn dùng ngải luyện thành thuốc để mê hoặc người khác, hay giúp người thực hiện một việc khó làm nào đó. Ngày xưa vì thiếu những vật phòng thân như thuốc men, vũ khí để bảo vệ lấy mình trong  trường hợp gặp thú dữ, rắn rít hay bệnh hoạn nên một số người phải nhờ đến ngải trong việc vào rừng để tìm trầm, với hy vọng việc đi tìm trầm được dễ dàng hơn.  Người ta tin rằng nếu ngậm ngải này vào miệng thì sẽ tránh được ác thú, rắn rít, chưa kể có thể chịu đựng được sự đói khát, mệt mỏi lúc băng rừng, lội suối.  Nhưng cái giá phải trả đối với việc xài ngải cũng không phải nhỏ, trường hợp người ngậm ngải bị lạc đường, không thể trở về trong thời gian hạn định thì ngải sẽ biến họ thành người rừng phải sống trong rừng suốt đời.  Dĩ nhiên đây chỉ là truyền thuyết cho thấy việc đi tìm trầm khó khăn như thế nào, còn có thật hay không, còn cần sự kiểm chứng.

 

Ngoài việc sản xuất trầm Phú Yên còn sản xuất nhiều gỗ quý như kền kề, giáng hương, gõ, trắc.  Ta thấy điều này không có gì lạ vì rừng núi ở Phú Yên trùng trùng, điệp điệp với các dãy núi Xuân Đài,  Thạnh Hãn, Lương Sơn, Ôn Trì...., hay đèo Cả, đèo Cục Kịch, đèo Đá... 

 

Nhưng ca dao nhắc Phú Yên không phải chỉ chừng bấy nhiêu đó, mà còn nhắc đến Phú Yên qua những địa danh khác vì những món ngon vật lạ nữa, 

 

Cá ngon là cá Cù Mông,

Gạo ngon là gạo ở đồng Phú Dương.

 

Phá Cù Mông vốn nằm phía đông núi Cù Mông trong tỉnh Phú Yên, nơi có đầm Cù Mông với bãi cát vây quanh cùng nhiều hòn đảo.  Phá là eo biển có doi đất chận, nên thường gây nhiều sóng gió, mà trong các phá thì phá Tam Giang lúc chưa bị lấp cạn đã từng nổi tiếng với nhiều sóng dữ  khiến người nào ngang qua đó đều không khỏi ôm mối lo sợ. Ngược lại phá Cù Mông tuy cũng là phá nhưng lại hiền hoà, chẳng những không gây hại cho người, còn mang đến cho con người những con cá ăn ngon miệng.

 

Muốn tròn bữa ăn ngoài cá ngon, cũng cần có cơm ngon vì như thế mới không phí phạm món ăn hiếm quý.  Với lẽ đó Phú Yên không những sản xuất cá ngon, còn sản xuất ra những hạt gạo ngon nơi đồng Đồng Dương để xứng với những con cá được vớt từ đầm Cù Mông . 

 

Phú Yên có những địa danh nổi tiếng hay đẹp, thì Phú Yên cũng có những địa danh tạo nên nỗi lo sợ cho con người. 

 

Lấy chồng Phú Cốc sợ beo,

Lấy chồng Mỹ Á hồn treo cột buồm.

 

Đọc hai câu ca dao trên, ta có thể nghĩ đó là cái cớ của một nàng con gái đẹp kiếm cách từ chối khéo chuyện muốn gá nghĩa của một chàng độc thân nào đó ở hai địa danh Phú Cốc và Mỹ Á; mà cũng có thể là lời khuyên thành thật dành cho các cô gái muốn tính chuyện trăm năm với những chàng trai ở Phú Cốc và Mỹ Á.  Việc từ chối khéo, hay lời khuyên cẩn thận kể trên không thể là lời khuyên suông, chắc chắn hai địa danh Phú Cốc và Mỹ Á đã có sẵn những mối đe doạ, bởi “không lửa thì không khói”, cho nên ta hãy thử xem lý do nào việc lấy chồng ở hai miền Phú Cốc và Mỹ Á lại khiến cho các cô gái phải lưỡng lự như thế.

 

Phú Cốc còn có tên là núi Hổ Sơn nằm phía tây huyện Đồng Xuân.  Sở dĩ núi có thêm tên Hổ Sơn vì có hình dáng như con cọp nằm.  Nơi đây núi cao mà đèo cũng cao với nhiều rừng nên có lắm cọp, beo.  Thời xưa vì phải di chuyển bằng chân hay bằng xe ngựa, xe trâu...cho nên con người thường dễ bị làm mồi cho hai loại thú dữ này.  Về làm dâu ở nơi nguy hiểm như thế thì mối sợ hãi đến với nàng con gái cũng là điều dễ hiểu.

 

Đối lại thì Mỹ Á lại là một làng chài xinh đẹp nằm trong huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.  Vì là làng chài lưới cho nên hằng ngày đa số đàn ông đều phải theo ghe ra khơi đánh cá.  Mà biển khơi có lúc thì hiền lành nằm lim dim như chú mèo con, nhưng cũng có dữ dằn như  chú mèo vươn móng vuốt lúc nhìn thấy chuột.  Người phụ nữ thời xưa đã lấy chồng thì gia đình nhà chồng là giang sơn nhà mình, và chồng chính là phần đời của mình do đó tấm lòng thương chồng hay chính ra thương mình của người phụ nữ thật sâu xa.  Do đó hằng ngày nhìn thấy chồng đi vào chốn biển cả mênh mông như thế, lòng người vợ nào có thể yên tâm cho được.  Bởi lý do đó, mỗi lần chồng lên thuyền thì người vợ hoặc thả hồn theo cột buồm của con tàu, hay ngóng trông con tầu qua chiếc cột buồm thấp thoáng từ  xa

 

Bên cạnh tình yêu đối với chồng, người phụ nữ cũng buộc tuân theo nền luân lý, vì lễ giáo do xã hội thời xưa vạch sẵn, buộc người phụ nữ có chồng hoàn toàn trông cậy vào người chồng và gia đình chồng với câu “gái chính chuyên một chồng”.   Cho nên dẫu cô gái có yêu chàng trai tha thiết đi chăng nữa, cô cũng buộc lòng phải tính toán, phải thực tế để nghĩ đến chuyện trở nên vợ của chàng và trở nên con dâu trong nhà chàng.  Ngược lại với nàng, sự ràng buộc của các chàng không quá khắt khe, nếu muốn, các chàng thời xưa có quyền “trai năm thê bảy thiếp, cho nên trong việc yêu đương các chàng thường bồng bột hơn, ít suy nghĩ tính toán hơn.  Ta sẽ không lạ gì khi thấy chàng trai lúc đã yêu thì quên hết hiểm nguy,  bất kể đường dài, nhất quyết vượt qua để tính chuyện trăm năm với nàng con gái mà chàng đã để tâm yêu thương.

 

Đèo nào cao bằng đèo Phú Cốc,

Dốc nào ngược bằng dốc Xuân Đài.

Đèo cao, dốc ngược, đường dài

Anh còn qua được, huống gì vài lạch sông.

 

Cùng một địa danh, cô gái thì suy nghĩ cẩn thận trước khi tính chuyện làm dâu nơi Phú Cốc, ngược lại chàng trai thì hết sức hăm hở, bởi lòng anh đã quyết lấy nàng, thì đèo Phú Cốc có cao hay dốc Xuân Đài thật dài cũng không thể cản ngăn anh đến bên nàng, huống gì nhà nàng lại chỉ cách mấy lạch sông như thế.  Rồi như sợ nàng còn e ngại, chàng trai Phú Yên quyết đánh nhanh, đánh mạnh bằng cách đưa ra những lời dụ dỗ,

 

Đất Cù  Du là nơi chiếu tốt,

Lãnh nào đẹp bằng lãnh Ngân Sơn.

Em đừng so sánh thiệt hơn,

Tình anh đây ví thử keo sơn nào bằng. 

 

Dĩ nhiên lời nói của chàng là lời nói thật.  Đất Cù Du và Ngân Sơn nằm trong huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên đã nổi tiếng với chiếu tốt và lãnh đẹp vốn là hai thứ cần thiết cho ngày tân hôn.  Với tình yêu thắm thiết của chàng và với những lời chân tình mà chàng đã thốt ra thì nàng đâu thể tính toán thiệt hơn hay mở lời cự tuyệt cho được.  Với nàng và chàng, đất Phú Yên ngày một thêm đông đảo để tạo cho Phú Yên ngày một thêm trù phú.  Và ca dao thì vẫn còn rất nhiều bài nhắc đến nhiều địa danh khác của Phú Yên, nhưng muốn nhắc hết e rằng vài trang giấy không thể nào kể hết.  Dầu sao qua vài bài ca dao ngắn nêu trên, hy vọng người đọc có thể mường tượng được vẻ xinh, nét đẹp của một mảnh đất trong toàn bộ giang sơn gấm vóc của nước Việt vậy.

 

 

 

 

Bản quyền thuộc Về: Copyright © 2009 Ngô Sao Kim
Điện Thư: lythophuc@gmail.com